Một đội ngũ các chuyên gia, đứng đầu bởi Giáo sư Michael Tam từ trường Đại học Waterloo, cùng các nghiên cứu sinh tiến sĩ: Yi Wang và Weinan Zhao, hiện đang nghiên cứu phát triển phương thức có thể thay đổi cách chúng ta tiếp cận nguồn nước ngọt. Nghiên cứu này được thực hiện bằng cách tạo ra các loại bọt biển và màng bề mặt diện tích lớn, và để chung liên tục hút ẩm từ không khí xung quanh bề mặt của nó.
Trái ngược với việc sử dụng nguồn nước thiên nhiên có sẵn từ sông, hồ, và nguồn nước ngầm tự nhiên như trước đây, Giáo sư Tam và nhóm của mình đã lấy cảm hứng từ thiên nhiên để tìm ra phương thức mới nhằm thu được nguồn nước thay thế cho các nguồn nước ngọt có sẵn từ tự nhiên. Điều này đặc biệt cần thiết khi hành tinh của chúng ta đang chật vật đối mặt với việc khan hiếm và khủng hoảng thiếu hụt nguồn nước ngọt trầm trọng.
Đội ngũ nghiên cứu cho rằng mạng nhện là một ví dụ rất thực tiễn về cách loài nhện thu thập nguồn nước ngọt từ trong không khí. “Nước được giữ lại trong lưới nhện rất hiệu quả. Con nhện không cần phải tìm đến các dòng sông để uống nước, vì nó có khả năng hút ẩm từ không khí,” Giáo sư Tam, một chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu nano và keo chức năng chia sẻ.
Tương tự như loài nhện, bọ sa mạc Namib sử dụng kết cấu độc đáo của lớp áo giáp để hút nước từ không khí. Giáo sư Tam và nhóm nghiên cứu của mình hiện đang sử dụng kỹ thuật mô phỏng sinh học, nhằm tạo ra các cấu trúc bề mặt có khả năng thu nước ngọt trong không khí một cách bền vững. Thậm chí, họ đã sử dụng những vật liệu tự nhiên và có nguồn gốc từ thực vật để có thể thiết kế các công cụ hiệu quả, phát triển giấy siêu thấm nước và bề mặt thông minh có khả năng điều chỉnh hút ẩm từ không khí, đồng thời tiêu hao năng lượng ở mức tối thiểu.
Điểm đặc biệt của dự án lần này đó là họ đang phát triển hệ thống thu giữ nước từ không khí sử dụng năng lượng mặt trời. Đây là một bước tiến rất lớn trong việc tìm kiếm nguồn nước ngọt trong tương lai. Tất cả những công nghệ này không chỉ thân thiện với môi trường, mà còn là giải pháp tài chính thiết thực. Dự án này đã được đăng tải trong tạp chí Nature Water. Tại đây, Giáo sư Tam và nhóm của mình đã giới thiệu về các công nghệ thu thập và lọc nước tiềm năng mà nghiên cứu này mang lại.